Phòng bệnh cho cá giai đoạn giao mùa
Chưa có đánh giá về bài viết
(TSVN) – Hỏi: Xin tư vấn các biện pháp phòng bệnh cho cá thời điểm giao mùa?
(Trần Duy Hải, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình)
Trả lời:
Hàng năm, vào thời điểm giao mùa, môi trường nước thay đổi đột ngột (pH, nhiệt độ giảm, độ trong thấp…) dễ làm cá bị “sốc”, nhiễm bệnh, bỏ ăn, thậm chí chết. Do đó, để hạn chế thiệt hại, người nuôi cần thực hiện các biện pháp sau:
Hàng ngày quan sát hoạt động của cá nuôi. Khi thấy hiện tượng cá nổi đầu cần xác định nguyên nhân, nếu là do thiếu ôxy, nên tăng cường phun nước, giảm lượng thức ăn cho cá ăn hàng ngày, thay một phần nước ao hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ.
Khi lấy nước vào ao phải tiến hành lắng lọc và xử lý nước thật cẩn thận để hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào ao nuôi. Đồng thời khử trùng ao nuôi bằng cách dùng vôi nông nghiệp hòa với nước tạt đều khắp ao.
Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh. Ngoài ra, trước những cơn mưa đầu mùa cần bón vôi xung quanh bờ ao nhằm ngăn nước mưa mang phèn và các chất bẩn từ trên bờ rơi xuống ao.
Không thả giống với mật độ quá dày, đối với giống mới thả hoặc bổ sung nên yêu cầu được cung cấp giống đã được chứng nhận kiểm dịch và phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc mua giống ở những cơ sở có đăng ký hành nghề và được cơ quan chuyên môn địa phương quản lý chứng nhận. Nên chọn giống kích cỡ đồng đều, ngoại hình cân đối, không dị hình, không nhiễm bệnh, cá khỏe mạnh, nhiều nhớt, bơi lội nhanh nhẹn.
Thức ăn cho cá phải tươi sạch và được khử trùng cẩn thận, không để cá bị đói. Xung quanh nơi cho cá ăn thường có thức ăn thừa, thối rữa, gây nhiễm bẩn sẽ tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh phát triển. Vì vậy, cần rửa sạch sàng ăn và thường xuyên khử trùng địa điểm cho ăn. Tùy thuộc vào chất lượng nước, độ sâu, nhiệt độ nước mà dùng thuốc với số lượng nhiều hay ít.
Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung Vitamin C trộn vào thức ăn hàng ngày hoặc sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để cải thiện khả năng tiêu hóa và bảo vệ tốt đường ruột cho cá. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đối với các hộ nuôi lồng, bè: Hai loại hóa chất thường dùng để phòng bệnh cho cá nuôi trong giai đoạn giao mùa, đó là muối (NaCl) và vôi nông nghiệp (CaCO3), liều lượng: vôi: 2 – 5 kg/túi, muối 10 – 20 kg/túi. Vôi và muối cho vào túi vải treo ở 4 góc nơi cho cá ăn và nên bắt đầu treo khi cho cá ăn (mỗi loại một túi cho mỗi góc), độ sâu của túi vôi hoặc túi thuốc treo bằng 1/3 – 1/2 độ sâu mực nước trong lồng nuôi. Tuy nhiên, liều lượng trên có thể thay đổi trong phạm vi cho phép tùy theo quy mô, diện tích nuôi và thể tích nước của đàn cá nuôi. Định kỳ 10 – 15 ngày thực hiện một lần.
Nếu phát hiện đàn cá nuôi có biểu hiện giảm ăn, nhào lộn dữ dội, trên da và mang có nhiều nhớt, cá bệnh chết với số lượng ít và tăng không đáng kể thì thực hiện việc treo vôi và muối trong 3 ngày liên tục. Đồng thời đem mẫu cá bệnh nhờ cán bộ thủy sản hỗ trợ trong việc chẩn đoán bệnh cá.
Có thể sử dụng thêm lá xoan, dây giác, cỏ mực đập giập bọc lại bằng lưới cước treo ở đầu bè hoặc ở chỗ cho ăn với liều lượng mỗi lần treo từ 5 – 10 kg để nâng cao hiệu quả phòng bệnh.
Hỏi: Bệnh đốm đỏ thường xảy ra vào thời điểm nào? Dấu hiệu và cách phòng trị bệnh ra sao?
(Nguyễn An Hòa, xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình)
Trả lời:
Bệnh đốm đỏ xuất hiện nhiều nơi ở những vùng nhiệt đới lẫn ôn đới và phổ biến ở Việt Nam. Ở miền Bắc, bệnh thường xuất hiện vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè (tháng 3 – 5), mùa thu (tháng 8 – 10) khi nhiệt độ nước 25 – 300C. Bệnh xuất hiện ở một số loài cá như cá chép (khoảng 2 – 3 tuần tuổi thì cá dễ nhiễm bệnh), cá trắm cỏ, cá trôi, cá mè. Ở miền Nam, phát bệnh nhiều vào đầu mùa mưa và xuất hiện trên tất cả các giai đoạn phát triển của cá. Thường thấy nhất ở các loài cá như cá tra, cá bống tượng, cá mè vinh, cá he, cá tai tượng.
Biểu hiện bệnh: Cá kém ăn hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ trên tầng mặt, da cá tối màu, cá mất nhớt thô ráp, xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ thể, mắt lồi, hậu môn viêm xuất huyết, bụng có thể chướng to, các vây xơ rách, các vây tia cụt dần, thường gặp ở cá trắm cỏ. Tỷ lệ chết khoảng 30 – 70%.
Để trị bệnh cần dùng thuốc Tiên đắc 50 g/50 kg cá/ngày, cho ăn 5 – 7 ngày liên tục, thuốc được trộn vào thức ăn nấu chín để nguội hoặc trộn vào thức ăn tổng hợp trước khi cho ăn từ 30 – 60 phút.
Phòng bệnh: Cần bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá trước mùa bệnh: Đối với cá giống dùng 4 g/kg cá/ngày, với cá thịt liều lượng là 2 g/kg cá/ngày, cho ăn 3 ngày liên tục.
Trước khi thời tiết chuyển mùa cần dùng thuốc Tiên Đắc trước một tháng để phòng bệnh cho cá, lượng dùng 50 g/250 kg cá/ngày, cho ăn 3 ngày liên tục.
Ban KHKT